Cận cảnh về siêu đô thị thông minh hơn 4 tỷ USD Nhật Tân – Nội Bài trong tương lai

Dự kiến tháng 10 năm 2018 liên doanh BRG – Sumitomo sẽ khởi công xây dựng Dự án thành phố thông minh hai bên đường Nhật Tân – Nội Bài. Siêu dự án này vừa được trao giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký lên tới 94.349 tỷ đồng.

Một trong hàng loạt dự án tỷ đô vừa được UBND TP Hà Nội cấp phép đầu tư trong Hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển vừa diễn ra, đó là Dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh với vốn đầu tư là 94.349 tỷ đồng do Liên doanh Sumimoto (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG đầu tư.

Đây dự án đô thị có quy mô lớn nhất được trao giấy chứng nhận đầu tư trong tổng số 71 dự án được cấp phép lần này, với tổng số vốn thu hút đầu tư lên tới gần 400.000 tỷ đồng (tương đương 17 tỷ USD).

Toàn bộ không gian quy hoạch đô thị dọc trục Nhật Tân – Nội Bài do Tập đoàn BRG làm chủ đầu tư. Điểm đầu tại ngã tư đường Võ Nguyên Giáp với đường 5 kéo dài, chạy dài 11-12km hướng về sân bay Nội Bài. Hai bên đường được quy hoạch làm đô thị thông minh.

Năm 2011, UBND TP Hà Nội đã giao cho tập đoàn BRG làm chủ đầu tư, tự ứng vốn và mời tư vấn nước ngoài phối hợp với Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập Quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường quan trọng này, chiếm toàn bộ diện tích 2080ha đất hai bên trục đường.

Sau nhiều năm nghiên cứu kỹ lưỡng, tâm huyết với đồ án quy hoạch, cuối năm 2016 tập đoàn BRG đã tìm được một đối tác uy tín, có tiềm lực và kinh nghiệm là Sumitomo của Nhật Bản, hai bên ký kết hợp tác kinh doanh.

Giữa năm 2017, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, 3 bên gồm UBND Thành phố Hà Nội,Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển dự án đô thị Nhật Tân – Nội Bài.

Dự án thành phố thông minh vừa được trao giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đầu tư khoảng gần 4,2 tỷ USD tại Hội nghị đầu tư và phát triển 17/6 vừa qua.

Một số hình ảnh phối cảnh 1/500 về viễn cảnh thành phố thông minh trong lai nằm ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, cũng như thông tin chi tiết về kế hoạch phát triển giai đoạn 1 của liên doanh nhà đầu tư cũng đã được hé lộ.

Phối cảnh tổng thể quy hoạch dự án thành phố thông minh hai bên trục đường Nhật Tân – Nội Bài.

Cầu Nhật Tân là điểm nhất và cũng là cửa ngõ kết nối siêu đô thị thông minh này với trung tâm đô thị hiện hữu Tây Hồ Tây và đô thị lõi Hà Nội, cùng với đó là tuyến metroline từ Trần Hưng Đạo – Nam Thăng Long – Nhật Tân.

Bắt đầu tư ngã tư đường Võ Nguyên Giáp và đường 5 kéo dài chạy về hướng sân bay Nội Bài 11km là khu vực được quy hoạch dự án thành phố thông minh.

Theo nguồn tin từ BRG, dự án có tổng mức đầu tư gần 4,2 tỷ USD, được xây dựng đồng bộ trên diện tích khoảng 272 hecta. Giai đoạn 1, liên danh Sumimoto-BRG sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD trên diện tích 73,11 hecta.

Hạ tầng sẽ được đầu tư đồng bộ, kết nối cho cả dự án theo ý tưởng quy hoạch của công ty tư vấn P&T Consultants Pte Ltd (Hồng Kông), tái hiện hình ảnh truyền thống Thăng Long – Hà Nội với ý tưởng chính là “Rồng đón ngọc”, xương sống chính là tuyến đường cao tốc kết nối từ sân bay về trung tâm thành phố, đầu Rồng quay về sông Hồng – Hồ Tây.

Tòa tháp tài chính dự kiến cao 108 tầng được xem là điểm nhấn kiến trúc độc đáo của thành phố thông minh, nằm ngay điểm đầu vào cửa ngõ Thủ đô nhìn về cầu Nhật Tân.

Kiến trúc của siêu thành phố thông minh được quy hoạch theo hướng thân thiện với thiên nhiên, sử dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực năng lượng, giáo dục, sức khỏe, nước sạch,…

Hiện trạng một góc hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài. Dự kiến, liên doanh nhà đầu tư BRG -Sumitomo sẽ khởi công xây dựng thành phố thông minh vào tháng 10/2018.

Phối cảnh tổng thể đô thị hai bên trục đường sẽ mọc lên trong tương lai. Dự kiến toàn bộ dự án hơn gần 4,2 tỷ USD sẽ triển khai theo 5 giai đoạn, giai đoạn 5 dự kiến hoàn thành vào 2028.

Hạ tầng đô thị được xây dựng đồng bộ, hiện đại, kết nối với nhau bằng hệ thống đường giao thông đô thị và tàu điện.

Được biết hiện nay, BRG và Sumitomo đã hoàn chỉnh các hồ sơ pháp lý và đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn tài chính để chuẩn bị đầu tư.

Mới đây, tờ Nikkei của Nhật tiết lộ về một kế hoạch phát triển hạ tầng của 20 công ty của nước này quan tâm đầu tư tại phía Bắc Hà Nội, với con số được cho là lên tới 37,3 tỷ USD. Trong đó, có nhiều tập đoàn lớn như Sumitomo, Mitsubishi, công ty tàu điện ngầm Tokyo Metro,…

Nguồn vốn lớn này có thể đến từ chính các công ty, vốn ODA của Nhật và sự hỗ trợ từ Chính phủ Nhật. Đây là một phần của nỗ lực triển khai chính sách của Chính phủ Nhật Bản và Thủ tướng Shinzo Abe về việc thúc đẩy “đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao” ở các nước đang phát triển.

Tờ này cũng đã thông tin chi tiết về kế hoạch xây dựng giai đoạn 1 siêu đô thị thông minh này có tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD, xây dựng khoảng 7.000 căn hộ và các cơ sở thương mại, giá nhà dao động từ 93.000 USD đến 140.000 USD (tương đương khoảng 2-3 tỷ đồng mỗi căn).

(Theo Trí thức trẻ)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *