Mức giá tăng mạnh từ 30 – 100% trong vòng 3 – 4 tháng ở cả đất thổ cư lẫn đất nền dự án là thực tế đang diễn ra tại thị trường bất động sản (BĐS) trục Nhật Tân – Nội Bài. Sôi động là vậy, song rủi ro “sốt ở mồm cò” khiến nhiều người lo ngại vỡ bong bóng giá ảo.
Giá đất leo thang
Khu vực này còn có hàng loạt dự án của các tập đoàn lớn trong nước đang được triển khai, như dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia (trên 90ha) được triển khai từ cuối năm 2016; Dự án Khu công nghệ thông tin tập trung (khoảng 80ha); Dự án công viên Kim Quy (khoảng 190ha)… Sự cộng hưởng của các dự án khiến giá trị các sản phẩm BĐS tại khu vực tăng nhanh trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, 2 dự án hạ tầng giao thông lớn đang được Hà Nội ưu tiên phát triển trong giai đoạn này là Tuyến metro số 2 (Nội Bài – Trung tâm TP – Thượng Đình) và cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng… cũng tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng của thị trường BĐS khu vực này. “Các dự án hạ tầng giao thông về mục tiêu là giảm áp lực giao thông, tăng kết nối khu trung tâm Hà Nội với các vùng phụ cận và tạo ra một vùng phát triển đô thị mới. Nhưng lại tác động tích cực đến sự gia tăng giá trị của các sản phẩm BĐS. Điều đặc biệt, nhờ hàng loạt “siêu dự án tỷ đô” đang được triển khai, sẽ “tăng lực” cho thị trường BĐS tại khu vực này” – TS.KTS Hoàng Hữu Phê – Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaconex R&D cho biết.
Khoảng một năm trở lại đây, giá trị BĐS khu vực nằm trên trục Nhật Tân – Nội Bài tăng mạnh, đặc biệt là khu vực đê hữu sông Hồng thuộc quận Tây Hồ. Theo ông Vũ Đức Khuê – Giám đốc sàn giao dịch BĐS DUC KHUE LAND, đầu năm 2017, đất khu vực gần trục dự án ở đê tả sông Hồng (thuộc huyện Đông Anh) giá khoảng 17 triệu đồng/m2, nhưng hiện tại đã trên 25 triệu đồng/m2. Đặc biệt phía quận Tây Hồ, giá đất “leo thang” nhanh hơn, cùng thời điểm trên giá đất ở mặt tiền đường Võ Nguyên Giáp khoảng 150 triệu đồng/m2, nhưng thời điểm này đã lên 250 triệu đồng/m2.
“Dự án khu đô thị thông minh trên trục Nhật Tân – Nội Bài sẽ giúp hình thành một TP vệ tinh thông minh tại khu vực phía Bắc của Thủ đô. Tất cả công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất của công tác xây dựng, quản lý, vận hành sẽ được ứng dụng vào đây. Cùng với đó, những nhà đầu tư lớn trong nước cũng đã sớm nắm được tiềm năng tại khu vực này và cũng nhanh chóng đầu tư vào đây. Chính sự hấp dẫn của nó, nên ngay từ khi chưa đi vào triển khai đã tạo nên một hiệu ứng và sức hút đối với nhà đầu tư và người dân, hiệu ứng này sẽ là đòn bẩy cho quá trình phát triển của thị trường BĐS khu vực phía Bắc và một phần phía Đông của Thủ đô.” – Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaconex R&D Hoàng Hữu Phê |
Khảo sát thực tế cho thấy, giá BĐS, đặc biệt là đất nền tại khu vực đê tả sông Hồng cũng tăng. Khu vực xã Vĩnh Ngọc giáp đường lớn khoảng 80 triệu đồng/m2, đất trong khu dân cư khoảng 30 triệu đồng/m2, đường Đông Hội gần đường lớn ven cầu Nhật Tân khoảng 44 – 50 triệu đồng/m2. Giá đất tại các xã Vân Nội, Nguyên Khê, Vân Trì, Uy Nỗ… cũng tăng nhẹ, dao động từ 15 – 20 triệu đồng/m2.
Kiểm định kỹ thông tin khi đầu tư
Giá đất trên trục Nhật Tân – Nội Bài trong khoảng 10 năm trở lại đây đã chứng kiến nhiều đợt tăng giá. Sau “cơn sốt” giai đoạn 2009 – 2011, năm 2015 “cơn sốt” lại nổi lên khi hàng loạt công trình giao thông quan trọng ở huyện Đông Anh đi vào vận hành. Thời điểm hiện tại, giá BĐS tại khu vực này có dấu hiệu tăng trở lại khi các “siêu dự án” được triển khai.
Tuy nhiên, ông Khuê cũng cảnh báo các nhà đầu tư cần kiểm định thông tin về quy hoạch từ phía chính quyền TP, tránh sự “đồn thổi” của môi giới sẽ dễ “sập bẫy” khi đầu tư. Thực tế đất tại khu vực này từ đầu năm 2018 đến nay, các giao dịch thành công ở mức thấp. “Nhu cầu sử dụng các sản phẩm BĐS của người dân Hà Nội vẫn chủ yếu tập trung vào khu vực phía Tây TP, nơi dân cư đông và đã có hạ tầng nối tương đối hoàn chỉnh. Tại khu vực phía Bắc và phía Đông đang được đầu tư hạ tầng hiện đại, nên xu hướng chuyển dịch về các khu vực này đã xuất hiện, nhưng là câu chuyện trong tương lai gần. Vì vậy, nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng trong “cơn sốt” đầu tư ở thời điểm hiện tại” – ông Khuê nói.