Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài 13km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Dự án có điểm đầu tại nút giao cắt đường Cát Linh – Giảng Võ, đi theo đường Hào Nam, qua phố Hoàng Cầu tới đường Láng, sau đó chạy ngang qua sông Tô Lịch, rồi chạy dọc theo trục đường Nguyễn Trãi – Trần Phú – Quang Trung (Hà Đông) và kết thúc tại ga bến xe Yên Nghĩa.
Các tuyến đường chính tập trung đông dân cư, chạy dọc theo tuyến Cát Linh – Hà Đông như đường Vũ Thạnh, Hào Nam, An Trạch (thuộc phường Cát Linh); đường Đặng Tiến Đông, Thái Hà (thuộc phường Trung Liệt); đường Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, Đê La Thành (phường Ô Chợ Dừa) và đường Nguyễn Viết Xuân (thuộc phường Hà Cầu, quận Hà Đông).
Trong đó, đường Thái Hà với giá bán xấp xỉ 400 triệu đồng/m2 được cho là tuyến đường có mức giá cao nhất trong những tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông chạy qua. Tuyến đường được cho có giá bán thấp nhất là đường Đặng Tiến Đông, ở mức 310 triệu đồng/m2.
“Tác động của đường sắt sẽ còn là câu chuyện lâu dài, không phải một sớm một chiều”.
Nhiều đơn vị phân phối cũng dựa vào tuyến đường sắt này để đẩy giá bán dự án với những lời giới thiệu “có cánh” như “hết nỗi lo tắc đường, giao thông đi lại thuận tiện…”.
Trước câu hỏi liệu giá bất động sản khu vực đường sắt Cát Linh – Hà Đông chạy qua có bị tác động, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội, cho rằng tác động của tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đã được nói đến nhiều năm qua.
“Từ khi có quy hoạch đường sắt, quỹ đất hai bên đường đã được các chủ đầu tư nhắm đến từ lâu và họ đã có thời gian để chuẩn bị dự án cũng như cân nhắc phát triển ra sao. Tác động của đường sắt sẽ còn là câu chuyện lâu dài, không phải một sớm một chiều”, bà An nhận định tại buổi họp báo công bố thị trường Hà Nội quý 3/2018.
Theo đại diện CBRE Hà Nội, sắp tới, tuyến đường sắt đi vào hoạt động cũng chưa thể tác động ngay lập tức đến thị trường bởi vì tác động lớn nhất của đường sắt đô thị là khả năng kết nối rút ngắn thời gian di chuyển.
“Trong khi đó, tuyến này cũng mới chỉ có thể kết nối hai đầu chứ chưa có kết nối đồng bộ. Điều đó có nghĩa, về dài hạn khi Hà Nội có nhiều hơn các tuyến đường sắt thì chắc chắn sẽ có những tác động lớn đối với những dự án nằm gần các nhà ga, đường tàu”, bà An nhấn mạnh.
Bà An cũng cho biết, theo nghiên cứu đánh giá của CBRE tại các thành phố khác trong khu vực, điển hình như Bangkok, có tuyến đường sắt đô thị phát triển đầu năm 2000 cho đến nay, những dự án cách bến tàu nhà ga khoảng 200m bao giờ cũng có khả năng bán tốt hơn nếu là dư án bất động sản nhà ở, có khả năng cho thuê, mức giá thuê cao hơn nếu là thị trường văn phòng, bán lẻ.
“Chúng ta cũng nên chờ đợi thực tế này sẽ diễn ra tại Việt Nam, đặc biệt tại thị trường Hà Nội và TP.HCM nhưng phải chờ có nhiều hơn các tuyến đường sắt và có hạ tầng hỗ trợ”, bà An nói.
Mặc dù thị trường không thể nhìn thấy sự tăng giá ngay của bất động sản, nhưng theo bà An sẽ có sự thay đổi ngay về hành vi đi lại, di chuyển của người dân. “Khi người dân chấp nhận phương tiện công cộng, hài lòng với phương tiện công cộng, lựa chọn nhà ở gần khu vực này thì yếu tố này mới thực sự tác động vào giá bất động sản hai bên đường và những tuyến đường lân cận”, bà An cho biết.
(Theo cafeland.vn)