Kính thiên văn quang học đường kính 0,5 m và nhà chiếu hình vũ trụ sẽ giúp khách tham quan tìm hiểu về bầu trời và các vì sao. Công trình Đài thiên văn Hà Nội đã xây dựng xong và Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đang lên kế hoạch vận hành, đón khách. Kế hoạch sẽ được công bố vào ngày 9/1 tới.
Ngoài nghiên cứu khoa học, Đài thiên văn có nhiệm vụ phổ biến kiến thức cho cộng đồng, khởi dậy niềm đam mê khoa học, yêu thích thiên văn học và vũ trụ cho các bạn trẻ.
Đài thiên văn Hà Nội được đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (cách Trung tâm Hà Nội 30 km), nằm trong quần thể các công trình gồm Bảo tàng Vũ trụ Việt Nam, Đài Thiên văn Hà Nội, Nhà chiếu hình vũ trụ do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam là chủ đầu tư với tổng kinh phí 60 tỷ đồng.
Hệ kính này có thể giúp người quan sát tìm kiếm thiên thể gần Trái Đất, nghiên cứu khí quyển (bề dày, mây, mù), đo phổ vạch của các sao. Kính cũng là phương tiện lý tưởng chiêm ngưỡng những hiện tượng thú vị như mưa sao băng, nhật thực, nguyệt thực.Đây là đài thiên văn lớn nhất miền Bắc, được trang bị một kính thiên văn quang học có đường kính 0,5 m do Công ty Marcon, một công ty nổi tiếng của Ý thiết kế và chế tạo.
Qua các bộ phim 3D ngắn, những hiệu ứng hình ảnh sẽ cung cấp kiến thức dễ hiểu về thiên văn học, giải thích một số hiện tượng thiên văn như sự phân định các mùa trong năm, sự thay đổi vị trí các thiên thể trên bầu trời, các hiện tượng quen thuộc như nhật thực, nguyệt thực. Với nhà chiếu chiếu hình vũ trụ quy mô khoảng 100 ghế ngồi được thiết kế giống như một rạp chiếu phim dạng mái vòm. Nhà chiếu được trang bị hệ thống 6 máy chiếu độ phân giải cao mang lại hiệu ứng 3D chân thực về bầu trời và các vì sao, đem lại cho người xem trải nghiệm như đang bay vào vũ trụ.
PGS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, trước mắt ưu tiên cho các đoàn học sinh học STEM đến khám phá, phục vụ các tiết học về thiên văn học. Nhà chiếu hình vũ trụ sẽ là công cụ chủ yếu để phổ biến kiến thức vũ trụ tới cộng đồng, các lớp học phổ biến kiến thức ở nhiều mức độ khác nhau từ cơ bản đến chuyên sâu tùy theo đối tượng.
Trước đó Trung tâm Vũ trụ Việt Nam từng xây dựng và vận hành Đài thiên văn Nha Trang với nhà chiếu quy mô 60 ghế ngồi, thực hiện các nghiên cứu cơ bản, quan sát sao biến quang, nghiên cứu tính chất của khí quyển; đo phổ vạch từ các ngôi sao để thu thông tin về loại sao, tốc độ quay và độ lớn từ trường trên bề mặt sao… Các số liệu ghi đo được xử lý, nghiên cứu, phân tích và công bố qua các bài báo khoa học.